Số phận chồn hương trong công nghệ sản xuất cà phê chồn

Theo Trung tâm Nghiên cứu và bảo tồn động vật hoang dã Việt Nam (SVW), hiện nhiều loài chồn quý hiếm đang bị săn bắt quá mức để lấy thịt, da và làm vật cảnh. Ngoài ra, rất nhiều con chồn hương bị bắt, bị đối xử rất dã man để sản xuất “cà phê chồn”.

Ngày 19-9, SVW và Vườn quốc gia Cúc Phương đã tái thả thành công 10 con chồn quý hiếm tại một địa điểm an toàn, trong đó có 4 con chồn mốc và 6 con chồn hương.

Theo SVW, đây là một trong những loài động vật hoang dã được trung tâm tiếp nhận và cứu hộ từ Công an tỉnh Hòa Bình vào đầu tháng 8.

Trong số này, một con chồn hương đã được trung tâm an tử nhân đạo vì vết thương quá nặng, một con khác không thể tái thả do mất một chân, được giữ lại phục vụ mục đích giáo dục bảo tồn.

Số phận chồn hương trong công nghệ sản xuất cà phê chồn

Những con còn lại, sau hơn một tháng được chăm sóc tại trung tâm đã hoàn toàn hồi phục và vừa được tái thả vào tự nhiên.

Cũng theo SVW, chồn mốc và chồn hương là hai trong 11 loài chồn phân bố ở Việt Nam, đang được đề xuất bảo vệ theo nghị định 32/2006/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, cả hai loài đều đang đối mặt với nạn săn bắt quá mức lấy thịt, da và làm vật cảnh. Đồng thời, việc suy giảm diện tích đất rừng và phá hủy môi trường sống cũng đe dọa nghiêm trọng đến việc phân bố của loài.

Ông Nguyễn Văn Thái, giám đốc SVW, cho biết cả hai loài chồn đều đang được nhân nuôi vì mục đích thương mại. Dù vậy, rất nhiều nhà hàng lợi dụng hình thức này để buôn bán bất hợp pháp những con bị săn bắt từ tự nhiên.

Khi khách đến ăn thì được quảng cáo là động vật hoang dã bắt trong rừng, nhưng khi cơ quan chức năng đến kiểm tra thì họ nói là từ các trại nuôi. Việc này dẫn đến rất khó khăn trong việc thực thi pháp luật.

Ngoài ra, còn rất nhiều con chồn hương bị bắt ngoài tự nhiên để phục vụ nhu cầu sản xuất “cà phê chồn”.

Những con chồn này bị đối xử rất dã man và chỉ được cho ăn trái cà phê để sản xuất ra… “cà phê chồn”.